Đường dẫn truy cập

Intel chọn tăng đầu tư ở Ba Lan vì Việt Nam thiếu điện và quan liêu hơn rất nhiều?


Logo của Intel tại trụ sở chính của hãng ở Santa Clara, bang California.
Logo của Intel tại trụ sở chính của hãng ở Santa Clara, bang California.

Sau khi Reuters đưa tin hãng sản xuất chip Intel của Mỹ quyết định không đầu tư thêm để tăng công suất ở Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ “tiếc nuối” hôm 9/11, đồng thời cho hay Intel đã nêu ra lý do rằng Việt Nam bị “thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà”.

Thông tin kể trên được vị bộ trưởng của Việt Nam chia sẻ với báo giới trong nước bên lề phiên họp quốc hội, Lao Động, VTC News và nhiều báo trong nước đưa tin.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dũng, vấn đề thiếu điện “chỉ là một lý do” vì tình trạng đó “mới chỉ xảy ra ở cục bộ một số nơi, thời gian”, các báo dẫn lời ông cho hay.

Ông Dũng cho rằng còn có các yếu tố khác dẫn đến việc Intel gác lại kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đó là "nguyên nhân như địa chính trị, cạnh tranh giữa các quốc gia và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu", Lao Động, VTC News và một số báo tường thuật.

“Intel có thể cân nhắc một số ưu đãi, hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam khi Thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng vào năm 2024”, Bộ trưởng Dũng hé lộ phần nào lý do quan trọng khiến Intel không tăng đầu tư ở Việt Nam.

Như VOA đã đưa tin, hãng thông tấn Reuters trích dẫn hai nguồn thạo tin nhưng không muốn nêu danh tính cho hay hôm 7/11 rằng Intel đã đưa ra một quyết định từ hồi tháng 7, theo đó, hãng gác lại khoản đầu tư ở Việt Nam mà nếu được thực hiện có thể tăng gần gấp đôi hoạt động của Intel ở đất nước này.

Intel không bình luận về tin này, chỉ nói với Reuters rằng “Việt Nam sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu của chúng tôi cùng lúc nhu cầu về hàng bán dẫn tăng lên”.

Mặc dù vậy, bản tin của Reuters viết rằng đó là một đòn giáng mạnh vào tham vọng ngày càng lớn của Việt Nam trong ngành công nghiệp chip.

Một số người ở Ba Lan đưa ra quan sát với VOA rằng có mối liên hệ giữa việc Intel quyết định vào tháng 7 không tăng đầu tư vào Việt Nam và việc cũng chính hãng này đã loan báo vào tháng 6 về khoản đầu tư lên tới 4,6 tỷ đô vào Ba Lan.

Nhiều hãng tin nước ngoài, trong đó có Reuters, đưa tin hồi giữa tháng 6 rằng Intel đã chọn một địa điểm ở Wroclaw, tây nam Ba Lan, để xây nhà máy mới chuyên lắp ráp và kiểm nghiệm chip, sẽ đi vào hoạt động trong năm 2027 và tạo ra khoảng 2.000 việc làm.

Như vậy, Ba Lan trở thành một trong những nước được hưởng lợi từ kế hoạch đầu tư lên tới hơn 33 tỷ đô la vào khối EU.

Trong khi đó, cũng vào tháng 6, Việt Nam đã rơi vào cảnh thiếu điện nghiêm trọng dẫn đến cắt điện luân phiên ở nhiều nơi, các báo trong nước đưa tin ở thời điểm đó, và đây có thể là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định của Intel, theo một số nhà quan sát.

Doanh nhân Trần Quốc Quân, người đã sinh sống và kinh doanh ở Ba Lan trong 35 năm, chia sẻ với VOA sự đánh giá cá nhân của ông về mức độ ổn định của nguồn cung điện ở đất nước mà ông gọi là quê hương thứ hai:

“Thiếu điện thì Ba Lan chưa từng. Từ thời Ba Lan xã hội chủ nghĩa cho đến khi chuyển sang thể chế mới được 34 năm rồi, suốt chiều dài lịch sử từ thời cộng sản đến thời dân chủ ngày nay, Ba Lan chưa bao giờ thiếu điện. Có thể nói, nguồn cung điện của Ba Lan rất ổn định”.

Theo ông Quân, có được điều đó là vì đất nước này nằm trong nhóm các quốc gia có lượng khai thác, xuất khẩu than đá và than non nhiều nhất thế giới. Ông cho biết đôi khi có việc cắt điện để xử lý kỹ thuật như sửa đường dây hoặc bàn giao thiết bị truyền tải điện, chứ chưa bao giờ phải cắt đường truyền vì thiếu điện.

Vẫn doanh nhân này, người thường xuyên đi lại giữa Ba Lan và Việt Nam trong nhiều năm nay, đưa ra so sánh về mức độ quan liêu và thủ tục hành chính giữa hai nước:

“Ở Ba Lan, vào thời XHCN cũng có những quan liêu hành chính nhưng tôi nghĩ nó không trầm trọng bằng Việt Nam trong những năm gần đây. Vừa là cảm nhận trực tiếp, vừa là nghe dư luận, vừa là tiếp nhận các nguồn thông tin, tôi thấy Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia quan liêu và thủ tục hành chính rườm rà nhất”.

Ông Quân nêu ra các nguyên nhân của tình trạng này gồm thể chế, tuyển dụng cán bộ không đúng năng lực, con ông cháu cha, cán bộ luôn tìm cách gây phiền hà để trục lợi cá nhân ở mọi cơ quan và tất cả các cấp, kể cả cấp trung ương. Đây cũng là những điều chính báo chí Việt Nam đã nêu lên nhiều lần, trích dẫn các ý kiến của giới chuyên gia và người dân, theo quan sát của VOA.

Nhà kinh doanh sinh sống ở Ba Lan có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội, với hàng chục nghìn người theo dõi trên Facebook, đưa ra cảnh báo:

“Thủ tục hành chính quan liêu của Việt Nam nếu không có cuộc cách mạng triệt để để cải cách nó thì khó thay đổi được. Không những là người dân trong nước, đối với các cơ sở kinh tế trong nước, mà đối với các nguồn đầu tư nước ngoài, người ta vào người ta rất là ngán thủ tục quan liêu hành chính, chạy giấy tờ, chạy bao nhiêu cửa, gõ bao nhiêu nơi”.

Trong một phóng sự hôm 22/6, hãng tin Reuters viết rằng Ba Lan đã tiến hành một chiến dịch phối hợp giữa các cơ quan chính phủ và thành phố Wroclaw, thành phố lớn thứ ba của đất nước, để thuyết phục Intel.

Nỗ lực của Ba Lan kéo dài gần 2 năm, từ tháng 7/2021. Các quan chức của chính phủ và thành phố thực hiện nhiều cuộc gặp trong thời gian đó với Intel. Các giám đốc điều hành của hãng có ấn tượng tốt từ đầu là Ba Lan rất nhanh chóng trả lời các câu hỏi và giải quyết các mối quan ngại, theo phóng sự của Reuters.

Một tổ công tác của một cơ quan chính phủ đã làm ra một bài thuyết trình để quảng bá về sự phát triển của Wroclaw, nêu bật lên chất lượng cuộc sống ở đó, cũng như các cơ sở phục vụ cho các gia đình, trường học, làn đường riêng cho xe đạp, các bể bơi và cung cấp các số liệu về kinh tế và nhân khẩu học.

Trang Politico.eu cho hay chính phủ Ba Lan có dành những khoản trợ cấp, ưu đãi cho dự án của Intel nhưng hãng không tiết lộ con số là bao nhiêu.

Một trong những ưu đãi mà Intel nhận được là Ba Lan cho phép họ xây các tòa nhà cao tới 50 mét trong phạm vi dự án, cao hơn hẳn so với mức chiều cao tối đa 20 mét trong quy định hiện hành ở địa phương, phóng sự của Reuters cho hay.

Với thành công trong việc thu hút được Intel, Ba Lan đang hy vọng sẽ “quyến rũ” được cả các hãng khác như TSMC của Đài Loan, hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, Reuters cho biết. Ba Lan đã bắt đầu các cuộc thảo luận với TSMC hồi năm ngoái.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG